Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

Trước khi quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân, các chủ doanh nghiệp tư nhân cần hiểu rõ các quy định về vốn của chủ doanh nghiệp tư nhân để cân nhắc và lựa chọn loại hình doanh nghiệp này phục vụ cho hoạt động kinh doanh, sản xuất của mình.

Chủ doanh nghiệp tư nhân

Theo Luật doanh nghiệp 2020, vốn của chủ doanh nghiệp tư nhân có một số đặc điểm sau:

  1. Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.
  2. Toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
  3. Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp. Đây là một đặc điểm khác biệt giữa doanh nghiệp tư nhân với các loại hình doanh nghiệp khác hiện nay.
  4. Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh.
  5. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

Như vậy, với các đặc điểm về vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân như trên, các cá nhân sẽ phần nào hiểu rõ hơn về loại hình doanh nghiệp này để lựa chọn phương án đầu tư kinh doanh phù hợp.

Tham khảo các bài viết có liên quan của chúng tôi:

  1. Doanh nghiệp tư nhân là gì?
  2. Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân theo Luật doanh nghiệp 2020.

Bài viết này chỉ dành cho mục đích cung cấp thông tin. Nội dung của bài viết này không cấu thành tư vấn pháp lý và không được coi là một bản tư vấn pháp lý chi tiết trong các trường cụ thể. Để biết thêm chi tiết về các vấn đề này, quý doanh nghiệp quan tâm xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ, tư vấn cụ thể.

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *