Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Sự phát triển của nền kinh tế thị trường tiềm năng của Việt Nam đã thành công thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào nhiều lĩnh vực, ngành nghề ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện hành không phải tất cả các ngành nghề đều được phép đăng ký hoạt động và một số ngành nghề yêu cầu nhà đầu tư phải đáp ứng điều kiện cần thiết để có thể tiến hành đầu tư kinh doanh.

Do vậy, bài viết của chúng tôi về danh mục ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh và ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ban hành ngày 17/06/2020 (“Luật Đầu tư 2020”) và Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ban hành ngày 26/11/2014 (“Luật Đầu tư 2014”) dưới đây nhằm giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước có định hướng cụ thể đối với việc lựa chọn ngành, nghề đầu tư kinh doanh.

I. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh

Căn cứ Khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư 2020, các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh gồm 08 ngành, nghề sau:

  1. Cấm kinh doanh một số chất ma túy

Luật Đầu tư 2020 quy định tại Phụ lục 1 danh mục 47 chất ma túy bị cấm đầu tư kinh doanh. So với Luật Đầu tư 2014 thì Luật Đầu tư 2020 đã tăng thêm 2 chất gồm: Lá Khat; Thuốc phiện và các chế phẩm từ thuốc phiện (trừ trường hợp ethyl este của acid béo iod hóa trong dầu hạt thuốc phiện mà không còn chứa chất ma túy từ thuốc phiện) vào danh mục cấm đầu tư, kinh doanh.

Đối với các hành vi vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử phạt:

(i) Xử phạt hình sự: Theo các tội phạm liên quan đến ma túy được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 số 100/2015/QH13 được sửa đổi bổ sung ngày 20/06/2017 (“Bộ luật Hình sự 2015”) với mức phạt tù từ 6 tháng – 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

(ii) Xử phạt hành chính: Với các chế tài phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản tùy mức độ và hành vi phạm tội.

  1. Cấm kinh doanh một số loại hóa chất, khoáng vật

Luật Đầu tư 2020 quy định cấm đầu tư kinh doanh đối với 18 loại, nhóm hóa chất, khoáng vật, căn cứ Phụ lục II, trong đó so với Luật Đầu tư 2014 thì Luật Đầu tư 2020 đã liệt kê cụ thể các Amiăng nhóm amphibole và bổ sung 01 loại, nhóm so với Luật Đầu tư năm 2014, cụ thể gồm:

(i) Axit dodecyl benzen sunfonic (DBSA)

(ii) Amiăng crocidolite

(iii) Amiăng amosite

(iv) Amiăng anthophyllite

(v) Amiăng actinolite

(vi) Amiăng tremolit

Ngoài ra, danh mục các hóa chất bị cấm đầu tư, kinh doanh sản xuất cũng được mở rộng hơn tại Danh mục hóa chất bảng 1[1].

Đối với các hành vi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh các loại, nhóm hóa chất, khoáng vật, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính với chế tài phạt tiền từ 200.000 đồng đến 100.000.000 đồng[2].

  1. Cấm kinh doanh một số mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã

Luật Đầu tư 2020 quy định cấm đầu tư kinh doanh đối với 258 loại thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại một số văn bản như:

(i) Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp (CITIES). Mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

(ii) Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên, căn cứ Phụ lục III. “Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm nhóm I”, ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2020.

Đối với các hành vi vi phạm, người vi phạm có thể bị xử phạt theo các chế tài sau:

(i) Xử phạt hình sự: Theo các tội phạm liên quan đến các loại thực vật, động vật hoang dã được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt tù từ 01 năm đến 10 năm.

(ii) Xử phạt hành chính: Với các chế tài như phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm tùy mức độ và hành vi phạm tội[3].

  1. Cấm kinh doanh mại dâm

Theo quy định về phòng, chống mại dâm “Mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm[4]. Người vi phạm bị xử phạt theo các chế tài sau:

(i) Xử phạt hình sự: Với các khung hình phạt từ 6 tháng đến 20 năm tùy mức độ và hành vi phạm tội và các tội danh khác

(ii) Xử phạt hành chính: Với các chế tài phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản tùy mức độ và hành vi phạm tội[5].

  1. Cấm mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người

Hành vi mua bán người hoặc bộ phận cơ thể người theo quy định tại Điều 154 Bộ luật Hình sự 2015 bị coi là tội phạm và xét xử hình sự với mức phạt tù từ 03 – 20 năm tùy mức độ và hành vi phạm tội.

  1. Cấm hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người

Sinh sản vô tính là hình thức sinh sản mà thế hệ con được sinh ra từ một cơ thể mẹ duy nhất, và thừa hưởng các gen chỉ từ cơ thể mẹ.

Hành vi thực hiện kỹ thuật sinh sản vô tính sẽ bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm[6].

  1. Cấm kinh doanh pháo nổ

Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhành, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Pháo bao gồm: Pháo nổ, pháo hoa[7].

Theo đó, hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo có thể bị phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 – 20.000.000 đồng[8].

  1. Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một trong những điểm mới của Luật Đầu tư 2020. Kể từ ngày 01/01/2021, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý hành chính. Hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh thì kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê sẽ bị xử phạt từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng[9]. Đồng thời, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được.

II. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

  1. Về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện gồm có 227 ngành, nghề quy định tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư 2020. Ví dụ như ngành, nghề sản xuất con dấu, kinh doanh dịch vụ bảo vệ, hành nghề luật sư….

  1. Về hình thức áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh

(i) Giấy phép

+ Giấy phép kinh doanh

Giấy phép kinh doanh hay còn được gọi là “giấy phép con“.  Giấy phép kinh doanh là một trong những cơ sở pháp lý để cá nhân hay tổ chức được phép hoạt động kinh doanh một số ngành nghề nhất định.

Doanh nghiệp buộc phải có các giấy phép theo quy định tại Khoản 6 Điều 7 Luật Đầu tư 2020 khi hoạt động những lĩnh vực thuộc “Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện“. Ví dụ như: Giấy phép mạng xã hội, Giấy phép trang thông tin điện tử, Giấy phép dịch vụ vận tải, Giấy phép kinh doanh rượu, thuốc lá, Giấy phép kinh doanh hóa chất, Giấy phép xuất khẩu gạo….

(ii) Giấy chứng nhận

+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khi nhà đầu tư đã đáp ứng được những điều kiện liên quan đến cơ sở vật chất hoặc nhân sự của cơ sở. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, nhà đầu tư mới được phép kinh doanh. Ví dụ như: Giấy chứng nhận về phòng cháy chữa cháy, Giấy chứng nhận về an ninh trật tự, Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, Giấy chứng nhận về chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy hàng hóa….

+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Căn cứ vào Khoản 11 Điều 3 Luật Đầu tư 2020: “Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư”. Giấy chứng nhận đầu tư là bắt buộc đối với hoạt động đầu tư kinh doanh có yếu tố vốn nước ngoài, để đảm bảo Nhà nước có thể quản lý tốt hoạt động cũng như nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

(iii) Chứng chỉ

Tùy vào từng ngành nghề mà pháp luật có những yêu cầu khác nhau về chứng chỉ, có thể là yêu cầu về số lượng cá nhân có giấy chứng nhận hành nghề, hay vị trí của người có giấy chứng nhận hành nghề trong doanh nghiệp. Ví dụ như: Chứng chỉ hành nghề Luật sư, Chứng chỉ hành nghề Bác sĩ, Y, Dược, Chứng chỉ hành nghề kiểm toán, Chứng chỉ môi giới….

(iv) Văn bản xác nhận, chấp thuận

Văn bản xác nhận kinh nghiệm làm việc hoặc chứng minh thời gian hoạt động của người điều hành hoạt động kinh doanh.

(v) Các yêu cầu khác mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

[1] Nghị định số 38/2014/NĐ-CP về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học ban hành ngày 06/05/2014

[2] Điều 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36 Nghị định 71/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp ban hành ngày 30/08/2019

[3] điểm đ, e Khoản 3 Điều 232, Điều 234 Bộ luật Hình sự 2015

[4] Khoản 3 Điều 3 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003 số 10/2003/PL-UBTVQH11 ban hành ngày 17/03/2003

[5] Điều 327, 328, 329 Bộ luật Hình sự 2015

[6] Điều 60 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã ban hành ngày 15/7/2020

[7] điểm a Khoản 1 Điều 3 Nghị Định 137/2020/NĐ-CP quy định về khái niệm pháo, pháo nổ

[8] Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình ban hành ngày 31/12/2021

[9] Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dung ban hành ngày 26/08/2020

5/5 - (5 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *