Vào ngày 22/6/2023, Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15 đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024 (sau đây gọi là “Luật GDĐT 2023”), chính thức đánh dấu sự hoàn thiện hơn hành lang pháp lý liên quan đến các giao dịch điện tử nói riêng và hoạt động chuyển đổi số nói chung tại Việt Nam trong thời gian tới.
- Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Khoản 3 Điều 1 Luật GDĐT 2023 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và chỉ loại trừ trong trường hợp: “luật khác quy định không được thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì thực hiện theo quy định của luật đó”. So với Luật năm 2005, quy định này đã phần nào mở rộng hơn phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử, tạo một khung pháp luật thống nhất về hoạt động giao dịch điện tử trong các lĩnh vực mà vẫn tránh được sự chồng chéo với các văn bản pháp luật khác.
Đồng thời, Luật GDĐT 2023 quy định đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia giao dịch điện tử hoặc có liên quan đến giao dịch điện tử. Nhìn chung, quy định này đã mở rộng hơn so với Luật năm 2005, cụ thể là bổ sung thêm các đối tượng có liên quan đến giao dịch điện tử.
- Quy định về một số khái niệm trong giao dịch điện tử
Điều 3 Luật GDĐT 2023 có quy định về các khái niệm mới như: Môi trường điện tử; Dữ liệu điện tử; Dữ liệu số; Dữ liệu chủ; Chữ ký điện tử; Chữ ký số; Dấu thời gian; Hợp đồng điện tử.
Ngoài ra, Luật mới cũng đã sửa đổi, bổ sung một số khái niệm sau: Chứng thư điện tử; Dịch vụ chứng thực chữ ký số; Người trung gian.
Việc quy định chi tiết về các khái niệm sẽ đảm bảo giá trị pháp lý cho các hình thức, công cụ công nghệ trong giao dịch điện tử; giúp cho cách hiểu về các thuật ngữ trong giao dịch trở nên nhất quán, từ đó thuận lợi hơn khi thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, cũng như trong việc áp dụng pháp luật.
- Sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử
Điều 6 Luật GDĐT 2023 quy định cụ thể hơn về 8 hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử như sau:
- Lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.
- Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu.
- Giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu.
- Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.
- Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử.
- Cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử.
- Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.
Trong đó, quy định về hành vi tại Khoản 3 “Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu” là quy định mới.
Bên cạnh đó, Luật GDĐT 2023 cũng quy định mở rộng, chi tiết hơn về các hành vi vi phạm, như tại khoản 4, phạm vi cấm “gian lận, giả mạo, chiếm đoạt, sử dụng trái pháp luật” được mở rộng thêm với tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, thay vì chỉ áp dụng cho chữ ký điện tử như luật cũ.
Hiện nay, các hoạt động giao dịch điện tử diễn ra vô cùng đa dạng và ngày một phát triển. Việc quy định chi tiết các hành vi bị cấm sẽ thuận lợi hơn trong việc kiểm soát các hoạt động giao dịch, đồng thời giúp các chủ thể tham gia tuân thủ pháp luật hiệu quả hơn.
- Bổ sung điều kiện chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu
Trong quá trình số hóa, việc chuyển đổi văn bản từ dạng văn bản giấy truyền thống sang dạng dữ liệu điện tử để có thể lưu trữ và sử dụng bằng các thiết bị điện tử là tất yếu. Ngược lại, việc chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy cũng cần thiết trong một số trường hợp. Do đó, Luật GDĐT 2023 đã bổ sung quy định về chuyển đổi qua lại giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu.
Điều 12 Luật GDĐT 2023 đã quy định cụ thể về chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu. Quy định về điều kiện chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu giúp bảo đảm giá trị pháp lý khi chuyển đổi từ bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại, đáp ứng nhu cầu của xã hội
Ngoài ra, Luật GDĐT 2023 còn bổ sung quy định cụ thể về các yêu cầu để chữ ký số là chữ ký điện tử; giá trị pháp lý của chứng thư điện tử và bổ sung dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử.
Bài viết này chỉ dành cho mục đích cung cấp thông tin. Nội dung của bài viết này không cấu thành tư vấn pháp lý và không được coi là một bản tư vấn pháp lý chi tiết trong các trường cụ thể. Để biết thêm chi tiết về các vấn đề này, quý doanh nghiệp quan tâm xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ, tư vấn cụ thể.
Related posts
Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có [...]
Th10
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định 1560/QĐ-LĐTBXH
Ngày 17/10/2023, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định 1560/QĐ-LĐTBXH [...]
Th10
Quyết định công bố án lệ số 364_TANDTC
Vào ngày 1/10/2023, Tòa án nhân dân tối cao đã ra Quyết định số 364/QĐ-CA [...]
Th10
Khơi thông pháp lý, thúc đẩy M&A y dược
Trong những năm vừa qua, M&A trong y dược đã thành công trong việc trở [...]
Th9
Sửa đổi 10 mẫu giấy tờ visa, xuất nhập cảnh
Vào ngày 30/6/2023, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư 22/2023/TT-BCA sửa [...]
Th8
Đón dòng vốn đầu tư mới vào y dược
Vào ngày 20/7/2023, Luật sư điều hành của Công ty Luật TNHH Việt Ấn – [...]
Th7